Sự liền vết thương là một quá trình phục hồi cơ bản trong bệnh lý ngoại khoa, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, mức độ, tính chất thương tổn, sức chống đỡ của cơ thể và cách xử trí.
Con người có thể bị thương vì nhiều lý do khác nhau, từ một vết cắt nhỏ cho đến những vết thương lớn như phẫu thuật. Cho dù tổn thương là gì đi nữa thì cơ thể chúng ta cũng đều có phương thức phù hợp để chữa lành.
1. Quá trình liền thương
Vết thương là các thương tổn gây rách, đứt da hoặc niêm mạc và các phần khác của cơ thể. Sự liền vết thương là một quá trình phục hồi cơ bản trong bệnh lý ngoại khoa, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, mức độ, tính chất thương tổn, sức chống đỡ của cơ thể và cách xử trí. Quá trình này gồm bốn giai đoạn:
- Giai đoạn cầm máu
- Giai đoạn viêm
- Giai đoạn tăng sinh
- Giai đoạn tái tạo
– Giai đoạn cầm máu
Đây là giai đoạn xảy ra ngay sau khi vết thương xuất hiện. Mạch máu bị tổn thương lập tức sẽ co lại để giảm lưu lượng máu và hạn chế sự mất máu. Sau đó, tiểu cầu cùng các yếu tố đông máu được kích hoạt để tạo thành cục máu đông. Cục máu đông sẽ bịt kín vùng mạch máu bị tổn thương làm máu ngừng chảy. Nếu vết thương không quá rộng, cục máu đông sẽ bít kín chỗ tổn thương một cách vững chắc trong vòng 3-6 phút. Trường hợp vết thương quá sâu hoặc quá lớn khiến cục máu đông không kịp hình thành thì cần áp dụng các cách ngăn sự chảy máu từ bên ngoài như băng, gạc, garo.
– Giai đoạn viêm
Giai đoạn này xảy ra đồng thời cùng giai đoạn cầm máu và thường kéo dài 4-6 ngày, có thể lâu hơn với các vết thương mãn tính. Đây là giai đoạn đặc trưng với các triệu chứng như sưng, nóng, đỏ, đau. Ở giai đoạn này, các tế bào bạch cầu được huy động đến vị trí tổn thương nhằm tiêu diệt, ngăn ngừa vi khuẩn phát triển. Khoảng 4 ngày sau tổn thương, các đại thực bào cũng tham gia vào quá trình tiêu diệt vi khuẩn và làm sạch các mảnh tế bào vụn tại vết thương. Bên cạnh đó, đại thực bào còn sản xuất ra cytokin và các hóa chất hấp dẫn những tế bào khác tham gia vào quá trình sửa chữa các mô bị tổn thương.
– Giai đoạn tăng sinh
Giai đoạn tăng sinh thường kéo dài vài tuần. Ở giai đoạn này, vết thương sẽ phát triển mô hạt gốc bao gồm các tế bào sợi và mạng lưới mạch máu tân sinh nhờ sự di chuyển và tăng sinh của các tế bào nội bì. Bên cạnh đó, các nguyên bào sợi còn kéo các mô về trung tâm, giúp vết thương liền miệng và hạn chế sẹo.
– Giai đoạn tái tạo
Đây là giai đoạn cuối của quá trình liền thương, thường bắt đầu từ ngày 21 đến vài tháng hoặc vài năm. Giai đoạn này giúp khôi phục lại tính toàn vẹn và chức năng của mô. Không chỉ vậy, nó còn quyết định tới hình dạng vết thương sau khi qua trình liền thương hoàn thiện. Nếu giai đoạn này diễn ra nhanh, mạnh có thể làm vết thương hình thành sẹo lồi và ngược lại có thể hình thành sẹo lõm.
– Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình liền thương
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá trình liền thương như kích thước, độ sâu của vết thương, quá trình chăm sóc, điều trị, chế độ dinh dưỡng và thể trạng của bệnh nhân. Những vết thương nhỏ nông thì dễ lành hơn vết thương to, sâu. Vết thương bị dập nát nhiều, bị bẩn sẽ chậm liền hơn vết thương phẳng và sạch. Người cao tuổi, có các bệnh mãn tính như đái tháo đường, tim mạch, hô hấp mạn tính, rối loạn đông máu, hay những người đang điều trị bằng thuốc có corticoid, chống đông máu, những người bị suy kiệt, thiếu dinh dưỡng,…vết thương sẽ chậm liền hơn. Bên cạnh đó, việc chăm sóc vết thương chưa đúng cách cũng là một trong những nguyên nhân làm chậm quá trình liền thương.